Nhiều chuyên gia giáo dục đã coi STEAM là một nhân tố thiết yếu của nền giáo dục thế kỷ 21. Trong một thế giới liên tục thay đổi, điều quan trọng hơn hết là các học sinh phải chuẩn bị nền tảng kiến thức và kỹ năng để có năng lực tự giải quyết vấn đề, hiểu rõ thông tin, biết cách tiếp thu chọn lọc và tự đánh giá. Nâng cao các kỹ năng đó cũng là trọng tâm của giáo dục STEAM.
STEAM là từ viết tắt cho Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Art (Nghệ thuật) và Mathematics (Toán học). Điểm nổi bật của STEAM là sự kết nối giữa các lĩnh vực vào thực tế. Các thí nghiệm, hoạt động thực hành thường xuyên diễn ra để các em được thảo luận, tự rút ra kết luận và nhờ đó sẽ ghi nhớ sâu sắc hơn.
Giáo dục STEAM tập trung vào việc khơi gợi niềm hứng thú, yêu thích suốt đời đối với khoa học và nghệ thuật ở trẻ ngay từ khi còn nhỏ. STEAM truyền cảm hứng cho học sinh tư duy và giải quyết vấn đề bằng phương pháp thực hành. Các em có cơ hội rèn luyện kỹ năng và trau dồi kiến thức trong suốt quá trình học theo dự án thông qua việc khám phá, hợp tác, liên kết với các vấn đề thực tế.
Phương pháp giảng dạy trong các môn học STEAM luôn khuyến khích học sinh đặt câu hỏi, dám chấp nhận thử thách và tôn trọng sự phản biện, giúp các em hình thành tư duy cởi mở, đa chiều hơn khi tiếp cận vấn đề.
Học sinh được khuyến khích đưa ra những ý tưởng độc đáo và áp dụng cách tiếp cận liên ngành để giải quyết các vấn đề phức tạp.
Tư duy phản biện ở các em được hình thành trong quá trình tiếp thu khái niệm, phân tích, đánh giá thông tin, quan sát, trải nghiệm và phản ánh. Giáo dục STEAM luôn khuyến khích các em đặt câu hỏi và giải quyết vấn đề bằng cách tích cực tham gia tranh luận.
STEAM dạy cho trẻ tầm quan trọng của giao tiếp và lãnh đạo nhằm đạt được các mục tiêu chung.
Hoạt động nhóm trong STEAM thúc đẩy khả năng thảo luận, truyền đạt, lắng nghe một cách tích cực, tư duy cởi mở và đưa ra những phản hồi mang tính xây dựng.
STEAM dạy cho trẻ sức mạnh của công nghệ và các phát minh. Vì thế, các em sẽ sẵn sàng đón nhận khi được tiếp cận một công nghệ mới thay vì do dự. Điều này giúp các em có lợi thế lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Bằng cách cho trẻ học STEAM từ nhỏ, các em được tiếp cận sớm với thế giới công nghệ, thấu hiểu khả năng của bản thân. Đó sẽ là động lực nuôi dưỡng các kỹ năng cần thiết để thành công trong thế kỷ 21.
Nghệ thuật (Art) chính là yếu tố thúc đẩy trí óc phát triển và sức sáng tạo thăng hoa. Trong việc giáo dục học sinh, trang bị kiến thức về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học là vô cùng quan trọng nhưng khả năng sáng tạo cũng là yếu tố cần thiết không kém.
Leonardo da Vinci có câu nói: “Học cái khoa học của nghệ thuật. Học chất nghệ thuật của khoa học. Phát triển những tri giác của mình, đặc biệt là sự quan sát. Nhận ra rằng vạn vật xung quanh đều có sự kết nối với nhau”. Quả thật, sự hài hòa giữa khoa học và nghệ thuật sẽ kích thích khả năng sáng tạo và phân tích của trẻ, tạo điều kiện phát huy năng lực ở cả hai bán cầu não.
Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học là các lĩnh vực nghiên cứu tương tự nhau ở chỗ chúng đều liên quan đến quá trình sáng tạo và sử dụng nhiều phương pháp liên ngành trong việc tìm hiểu và khám phá.
Phương pháp học tập theo dự án trong giáo dục STEAM tại Hệ thống Trường Tesla xây dựng nên một môi trường học tập tích cực, trong đó tất cả học sinh đều có thể tham gia và đóng góp. Việc kết hợp giữa các môn học chính là sự tiếp cận toàn diện, giúp các em phát huy tối đa năng lực của não bộ.
Nếu như một hạn chế trong phương pháp giáo dục truyền thống là khoảng cách lớn giữa lý thuyết và thực hành thì ở giáo dục STEAM, học sinh được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết liên quan đến việc học và hành các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học. Tất cả được kết hợp, lồng ghép và bổ sung cho nhau, giúp các em không chỉ nắm chắc kiến thức mà còn có thể thực hành và tạo ra được những sản phẩm thực tế, trở thành những con người sáng tạo.
Trong nền giáo dục hiện đại cũng như đối với STEAM, giáo viên không chỉ là người cung cấp kiến thức mà còn đóng vai trò hỗ trợ và đồng hành với học sinh. Phương pháp này mang lại sự hào hứng, giúp các em chủ động tương tác hơn trong học tập, kích thích sự tìm tòi và khám phá. Khi đặt học sinh làm trung tâm chính là trao cho học sinh quyền tự chủ, tự quyết, góp phần nuôi dưỡng nên các nhà lãnh đạo thành công trong tương lai.
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật trên thế giới, nhu cầu việc làm liên quan đến các lĩnh vực STEAM ngày càng tăng, đòi hỏi giáo dục cũng phải có những sự thay đổi kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. STEAM vì thế ngày càng đóng vai trò quan trọng giáo dục, góp phần tạo dựng nên những công dân toàn cầu, có khả năng đáp ứng nhu cầu công việc trong thế giới hiện đại.