MẦM NON (EYP)
Cô Nguyễn Thị Thùy Trang
Giáo viên Mầm non
Ngày hội “Earth Day” cũng là dịp để các em học sinh mầm non lan tỏa những hành động về ý thức bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp đến mọi người xung quanh. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, những hành động đơn giản như bỏ rác đúng chỗ, phân loại rác tái chế, tiết kiệm điện, nước, giấy, trồng thêm những chậu cây nhỏ xinh,… cũng góp phần vào việc bảo vệ môi trường. Những ý thức đó của các em được hình thành qua việc giáo dục hàng ngày mọi lúc mọi nơi để các em hiểu và hành động vì một môi trường xanh-sạch-đẹp.
Cô Đàm Lê Thủy Tiên
Giáo viên Mầm non
Dự án bảo vệ môi trường đã giúp các em hiểu được nguyên nhân và các biện pháp để có thể bảo vệ môi trường từ những việc làm đơn giản nhất như bỏ rác đúng nơi quy định, tiết kiệm nước, tắt đèn khi ra ngoài, đặc biệt là tái chế và sử dụng lại các đồ dùng,… Qua đó, các bạn lớp F2 Phú Nhuận đã biết tái chế lại hộp đựng trứng gà để tạo ra một cây xanh xinh đẹp, góp một phần nhỏ của mình trong việc bảo vệ môi trường.
Cô Trần Thị Hồng Thắm
Giáo viên Mầm non
Trong dự án lần này, các em hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Các em đã tự tay tái chế những chai nhựa thành đồ dùng cho mình,… Các em thích thú và hiểu được việc sử dụng những sản phẩm tái chế từ rác thải là góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường. Đây là một hành động thực sự có ý nghĩa và cần được lan tỏa đến tất cả mọi người. Mỗi một sản phẩm tái chế sẽ giúp môi trường sống của chúng ta thêm trong lành và sạch sẽ.
Thầy Nguyễn Kiều Quốc Bảo
Giáo viên IB – Thể dục
Những tiết học thể thao là thời gian để các em có thể thoải mái vận động, kích thích sự năng động, sáng tạo và tự tin cho các em. Bên cạnh những kĩ năng vận động tạo nền tảng cho sự phát triển thể chất, các em còn được khám phá nhiều môn thể thao khác nhau, nâng cao sự hiểu biết và khơi gợi niềm yêu thích thể thao. Kính mời Quý Phụ huynh cùng theo dõi một số hình ảnh năng động của các em khi tham gia học môn cầu lông nhé!
TIỂU HỌC (PYP)
Cô Tô Kim Yến
Điều phối viên IB PYP
Năm học đã gần kết thúc nên tôi muốn cập nhật cho mọi người về một số hoạt động thú vị mà học sinh của chúng ta đã tham gia trong tháng này.
Tháng Tư có rất nhiều hoạt động khiến học sinh bận rộn và hào hứng. Từ sự kiện Ngày Trái Đất đến chuyến đi dã ngoại của lớp 5 tại Cần Giờ, học sinh của chúng tôi đã tích cực tham gia vào nhiều hoạt động ngoại khóa. Chúng tôi tự hào về cam kết và sự nhiệt tình của các em.
Chúng tôi cũng đang mong đợi Triển lãm PYP sắp tới vào ngày 17-18 tháng 5. Học sinh đã làm việc chăm chỉ để chuẩn bị cho sự kiện này và chúng tôi tin tưởng rằng các em sẽ thể hiện quá trình học tập, phát triển của mình một cách tự tin và đĩnh đạc. Triển lãm PYP là một nền tảng để học sinh thể hiện quá trình học tập và phát triển của mình với tư cách là học sinh IB.
Chúng tôi cũng đã quan sát thấy rằng các em đã đạt được tiến bộ đáng kể trong quá trình phát triển với tư cách là học sinh IB. Các em đã cho thấy khả năng giao tiếp hiệu quả, chấp nhận rủi ro và phản xạ trong học tập ngày càng tăng. Bài thuyết trình và biểu hiện của các em trong những hoạt động và sự kiện của lớp rất đáng khen ngợi, và chúng tôi tự hào về thành tích của các em.
Khi năm học sắp kết thúc, chúng ta có các kỳ thi học kỳ 2 mà học sinh cần chuẩn bị. Chúng tôi hi vọng rằng Quý Phụ huynh có thể hỗ trợ con em mình bằng cách cung cấp một môi trường học tập thuận lợi ở nhà.
Cảm ơn Quý Phụ huynh đã tiếp tục hỗ trợ và hợp tác trong hành trình học tập của các em học sinh.
Cô Võ Thị Ngọc Linh
Giáo viên IB – Chủ nhiệm Lớp KG
Mở đầu cho chủ đề học tập mới “Chia sẻ hành tinh”, các bạn lớp KG đã trải nghiệm với hoạt động trồng cây. Hoạt động này giúp các bạn hiểu được cây cối (thực vật) là một nguồn tài nguyên thiên quan trọng đối với con người và các sinh vật khác. Ngoài ra, ý tưởng trọng tâm của chủ đề “Các nguồn tài nguyên thiên nhiên được chia sẻ bởi các sinh vật sống” cũng được thể hiện rõ qua hoạt động này. Từ đó, các bạn học sinh nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên. Các bạn cảm thấy có trách nhiệm hơn khi chăm sóc cây cối. Hoạt động của lớp cũng hưởng ứng Ngày Trái Đất, bằng một việc nhỏ của mình góp phần công sức trong việc bảo vệ môi trường trở thành “anh hùng nhí” bảo vệ hành tinh này. Nhìn gương mặt nhỏ bé đang chăm chú tham gia trồng cây thật đáng yêu. Hi vọng hành động của các bạn lan tỏa việc trồng cây đến mọi người không chỉ ở lớp, ở trường, ở nhà mà còn ở mọi nơi.
Cô Đặng Thiện Ngọc Trúc
Giáo viên IB – Chủ nhiệm Lớp 1
Ngày Trái Đất – Một sự kiện đặc biệt của năm – đã được các em học sinh lớp 1 hưởng ứng nhiệt tình và đầy thú vị. Trong suốt những tuần vừa qua, các em đã được tìm hiểu nhiều về các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong cuộc sống và giá trị của những nguồn tài nguyên đó với cuộc sống con người. Từ đó, các em dần ý thức được vì sao phải bảo vệ các nguồn tài nguyên đó và quyết tâm thực hiện các hành động để bảo vệ các nguồn tài nguyên.
Trong sự kiện Ngày Trái Đất, các em đã tự tin trở thành những “phát ngôn viên” giúp cho mọi người biết cách phân loại rác để góp phần bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Điều này đã chứng minh được những cố gắng của các em đã có những kết quả tốt đẹp.
Cô Nguyễn Thị Diễm Trinh
Giáo viên IB – Chủ nhiệm Lớp 2
“Thế giới quanh ta kỳ diệu như thế nào?”. Các bạn học sinh lớp 2 đã tìm hiểu về môi trường sống của các loài động – thực vật trên cạn và dưới nước. Các em biết rằng mỗi loài sinh vật đều cần một môi trường phù hợp để phát triển. Các bạn nhận thức sâu sắc được sự tác động của con người đã làm ảnh hưởng tới tự nhiên như thế nào. Từ đó, các em hiểu được mỗi người trong chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với hệ sinh thái đa dạng trên Trái Đất này. Dựa trên tinh thần đó, học sinh lớp 2 đã thực hiện poster tuyên truyền về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức của chúng ta. Các bạn cũng học được cách chia sẻ và quan tâm hơn đến những sinh vật hiện đang cùng sinh sống với loài người trên hành tinh này.
Cô Nguyễn Hoàng An Khanh
Giáo viên IB – EAL
Học sinh lớp 1 đang thường xuyên thực hành kĩ năng đánh vần trong suốt năm học. Giờ đây, các em đã có thể tự đọc những quyển sách đơn giản. Học sinh còn thực hiện hoạt động đọc sách cùng bạn. Các em cảm thấy thoải mái và thích đọc sách hơn khi được đọc sách cùng với bạn. Học sinh hỗ trợ và giúp đỡ nhau trước, sau đó giáo viên sẽ kiểm tra lại.
Cô Sheryl Ferrer Cruz
Giáo viên IB – ATL
Lớp KG
Trong những tuần qua, học sinh lớp KG đang nghiên cứu ý tưởng trọng tâm: “Các sinh vật cùng nhau chia sẻ tài nguyên thiên nhiên”. Để khám phá toàn bộ đơn vị bài học này, các em tìm hiểu về: Thế nào là tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân tạo? Thế nào là sinh vật và đồ vật vô tri? Sinh vật sử dụng tài nguyên ra sao? Những câu hỏi gợi mở này đã giúp học sinh xác định, miêu tả tài nguyên thiên nhiên và các sinh vật sống.
Giai đoạn đầu tiên của chu trình tìm hiểu giúp thiết lập bộ khung để phát triển việc tìm hiểu và nghiên cứu. Trong giai đoạn này, học sinh tập trung vào ý tưởng trọng tâm, xác định sự phù hợp và giá trị của nó. Các em tập trung vào kiến thức, trải nghiệm nền, xác định các câu hỏi và vấn đề cần nghiên cứu. Học sinh tìm kiếm, thu thập nhiều thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để làm rõ và mở rộng câu hỏi. Trong giai đoạn này của chu trình tìm hiểu, học sinh phát triển kĩ năng giao tiếp và nghiên cứu của mình khi các em được yêu cầu thể hiện sự lưu loát và linh hoạt trong tư duy. Học sinh lớp KG đang rất hào hứng chuyển sang giai đoạn tiếp theo của chu trình tìm hiểu. Cố lên nhé các bạn nhỏ lớp KG.
Lớp 1
Học sinh lớp 1 học về tài nguyên của Trái đất, về vật liệu tự nhiên và nhân tạo, về cách tạo ra những vật liệu khác nhau. Chúng tôi tự đánh giá về cách mà mọi người lựa chọn để giảm thiểu chất thải. Chúng tôi tìm hiểu về 3 chữ R: Reduce (Giảm thiểu) Re-use (Tái sử dụng), Recycle (Tái chế). Chúng tôi học về khái niệm công dân, khám phá vai trò, quyền lợi, trách nhiệm của chúng ta đối với môi trường.
Xuyên suốt đơn vị bài học này, học sinh dùng những kĩ năng tư duy và nghiên cứu để tìm hiểu vì sao cần phải bảo vệ Trái Đất, về những hành động các em có thể làm để giữ gìn thế giới sạch và an toàn. Vào cuối đơn vị bài học, học sinh có thể gọi tên một vài loại tài nguyên của Trái Đất, có thể miêu tả những vật thể hằng ngày được làm từ gì. Các em có thể giải thích sự khác biệt giữa giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Cuối cùng, các em có thể thuyết phục người khác hành động để bảo vệ Trái Đất và đưa ra ít nhất một lí do vì sao cần phải gìn giữ thế giới sạch và an toàn.
Lớp 2
Học sinh lớp 2 đang học về chủ đề “Chia sẻ hành tinh”. Các em đang trong giai đoạn tự đánh giá của chu trình tìm hiểu và nghiên cứu. Các em học về cách động thực vật cũng như con người có sự liên hệ với nhau và phụ thuộc vào nhau để sinh tồn. Học sinh bắt đầu chủ đề bằng việc học về các môi trường sống khác nhau, về các sinh vật sống ở đó. Sau đó, các em xác định loài động thực vật yêu thích của mình và truyền đạt tất cả những gì các em biết trước khi tự xây dựng mô hình môi trường sống tại trường.
Học sinh lớp 2 đã phát triển các kĩ năng giao tiếp, tư duy và nghiên cứu trong học phần này. Điều này thể hiện rõ trong đánh giá tổng kết của các em. Các em tự lập nhóm, chọn một môi trường sống để tập trung vào và áp dụng kiến thức từ bài học bằng cách tạo một bài thuyết trình về mô hình môi trường sống theo các tiêu chí thành công. Học sinh đã làm rất tuyệt vời! Dưới đây là một số hình ảnh trong sự kiện Ngày Trái Đất, thể hiện sự nỗ lực và chăm chỉ của các em.
Cô Nguyễn Thị Thanh Sang
Giáo viên IB – Chủ nhiệm Lớp 3
Học sinh lớp 3 đang tìm hiểu chủ đề 5: “Thế giới vận hành ra sao”. Các em nghiên cứu về các quy luật và chu kì của tự nhiên. Các em dựa vào những hiểu biết của mình, sử dụng quả địa cầu và giải thích được các hiện tượng ngày và đêm, bốn mùa. Học sinh đã được quan sát và lí giải được hiện tượng thuỷ triều lên xuống trong chuyến đi thực tế đến Cần Giờ. Ngoài ra, trong chuyến đi này, các em biết được cây xanh đóng vai trò quan trọng trong việc điều hoà khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái bằng việc ghé thăm rừng phòng hộ Dần Xây và trực tiếp tham gia hoạt động trồng cây.
Cô Huỳnh Thị Kim Ngọc
Giáo viên IB – Chủ nhiệm Lớp 4
Trong tháng Tư này, chúng tôi rất vui mừng được chia sẻ với Quý vị một số điều tuyệt vời mà học sinh lớp 4 đã đạt được trong chương trình PYP.
Một trong những yếu tố chính của PYP là các kĩ năng học tập, bao gồm kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tư duy, kĩ năng quản lí bản thân, kĩ năng nghiên cứu và kĩ năng xã hội. Trong chủ đề liên môn số 5, “Chia sẻ hành tinh”, học sinh tập trung phát triển kĩ năng nghiên cứu, kĩ năng xã hội và kĩ năng giao tiếp.
Để sắp xếp thông tin thu thập được từ sách vở, bài báo trên Britanica hoặc tra cứu trên Google, học sinh đã sử dụng bản đồ tư duy và các hình thức ghi chép khác nhau. Điều này cho phép các em thể hiện một cách trực quan thông tin, mối liên hệ giữa các khái niệm và ý tưởng khác nhau liên quan đến chủ đề nghiên cứu.
Ngoài ra, học sinh dành phần lớn thời gian để làm việc theo nhóm, nơi các em có cơ hội hợp tác và học cách chia sẻ nhiệm vụ cũng như cùng chịu trách nhiệm. Qua đó, các em được phát triển kĩ năng xã hội và học cách làm việc hiệu quả với những người bạn khác nhau.
Học sinh cũng thực hành kĩ năng thuyết trình bằng cách luyện tập trình bày trước các bạn trong nhóm nhỏ, quay video bài phát biểu của mình và điều chỉnh trước khi thuyết trình trước lớp hoặc toàn trường.
Chúng tôi tin rằng các em sẽ tiếp tục phát triển các kĩ năng giao tiếp, tư duy, quản lí bản thân, nghiên cứu và các kĩ năng xã hội trong thời gian tới.
Cô Đoàn Thị Huỳnh Hạnh
Giáo viên IB – Chủ nhiệm Lớp 5
Tháng 4 của cô trò lớp 5 là một chuỗi những hoạt động nổi bật và đáng nhớ trong học phần “Thế giới vận hành ra sao”. Đầu tiên là chuyến học tập trải nghiệm tại Cần Giờ. Các em đã cùng nhau thu thập mẫu nước và sinh vật tại từng khu vực có độ ngập mặn khác nhau để tìm hiểu về môi trường sinh thái của động thực vật tại đó, cũng như tìm hiểu thêm về các chòm sao và vai trò của vệ tinh trong việc hỗ trợ người dân thu hoạch muối.
Sau chuyến đi Cần Giờ, các em đã được các nhà khoa học hướng dẫn phân tích mẫu nước và xác định được những vi sinh vật có ích đang tồn tại trong hệ thống rừng ngập mặn Cần Giờ.
Từ những nghiên cứu và trải nghiệm thực tế, các em đi đến giai đoạn cuối của chủ điểm là gửi gắm thông điệp qua những sản phẩm mĩ thuật, mô hình 3D, thiết kế trò chơi và tận dụng một số vật tái chế. Buổi triển lãm cuối cấp Tiểu học sẽ diễn ra vào ngày 17-18/05 hứa hẹn những điều thú vị.
Bên cạnh những nội dung học tập nghiên cứu chuyên sâu, các em còn tham gia vào chuỗi hoạt động Ngày Trái Đất bằng những hành động cụ thể: thu gom và phân loại chất thải nhựa, thiết kế thời trang nilon và làm mô hình “Chú cá mắc cạn đáng thương”. Tháng 4 sắp khép lại cũng là ngày kiểm tra cuối năm đến gần. Cô Hạnh chúc các em học sinh lớp 5 ôn tập nghiêm túc để có kết quả tốt nhất và đã có một kì nghỉ lễ thật vui bên gia đình.
Thầy Alexander Gordillo
Giáo viên IB – EAL
Giới thiệu
Vừa qua là những tuần bận rộn với nhiều hoạt động cả trong và ngoài lớp học, đồng thời, việc học Tiếng Anh cũng là một điểm nổi bật trong trải nghiệm của các em học sinh. Đặc biệt phải kể đến chuyến đi thực tế đến rừng ngập mặn Cần Giờ của các em học sinh lớp 3, lớp 5 và nhiều hoạt động liên quan khác. Chúng tôi rất biết ơn sự hỗ trợ tích cực của phụ huynh cùng những thông tin có được từ cuộc họp phụ huynh 3 bên.
Lớp 3
Lực hấp dẫn của Mặt Trăng ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta? Những cây đước mà thầy và trò nhặt được ở rừng ngập mặn Cần Giờ là gì và chúng ta có thể trồng chúng như thế nào? Những câu hỏi này giúp gợi mở các hoạt động EAL của chúng tôi, từ các đoạn đọc hiểu, câu đố chính tả, ngữ âm và phát âm đến viết các câu điều kiện đơn giản về thời tiết. Dù đó là từ vựng về thời gian, về sinh vật thuỷ triều hay cách nói về thời tiết, lớp 3 đã có một đơn vị bài học chuyên sâu để phát triển cấu trúc ngữ pháp cả nói và viết.
Lớp 4
Sau chuyến thăm Cần Giờ, học sinh đã tiến hành nghiên cứu về nhiều chủ đề khác nhau, từ vòng đời của cây ngập mặn tới phục hồi rừng ngập mặn Cần Giờ và tất cả mọi thứ liên quan đến rừng ngập mặn! Là một phần của Bài học Tìm hiểu và Nghiên cứu: Cứu lấy Hành tinh của chúng ta, học sinh đã phát triển thêm những kĩ năng nghiên cứu, đọc và viết bằng cách tập trung vào rác thải nhựa và thực phẩm. Các hoạt động bao gồm xây dựng Công cụ Tổ chức Đồ họa để thu thập thông tin, các hoạt động đọc và nghe chuyên sâu với trọng tâm là hiểu đầy đủ và chia sẻ những gì đã học được để có giải pháp thiết thực giúp ích cho môi trường của chúng ta. Học sinh nói và viết về những sự kiện mà các em đã học được thông qua các bài báo và video hướng dẫn về những chủ đề này. Nhờ các em, chúng ta sẽ giảm thiểu rác thải nhựa tại trường học của mình!
Lớp 5
Chắc chắn rằng chuyến đi thực tế Cần Giờ sẽ là một kỉ niệm đáng nhớ trong nhiều năm tới. Sau chuyến đi, học sinh đã chọn các chủ đề để nghiên cứu và trình bày cho Triển lãm PYP của mình. Các em phát triển những câu hỏi nghiên cứu của riêng mình, bao gồm tìm hiểu về lợi ích của việc quan sát Trái Đất từ không gian, tác động của chất độc màu da cam đối với rừng ngập mặn, các nỗ lực phục hồi và tái trồng rừng ở Cần Giờ và những cách để thu hút cộng đồng và giáo dục họ về những gì họ đang tìm hiểu. Học sinh đã học được một số kĩ năng ghi chú, sàng lọc cẩn thận các bài báo và ghi lại những phát hiện của mình trong Công cụ Tổ chức Đồ họa đã được tùy chỉnh. Để chuẩn bị cho Triển lãm PYP sắp tới, học sinh viết nhật kí và cộng tác làm việc theo nhóm để sáng tạo cho cộng đồng Trường Tesla của chúng ta. Chúng tôi mong chờ buổi triển lãm này và cá nhân tôi đã khuyến khích các em “học cách giáo dục và truyền cảm hứng”.
Thầy Brandon Williams
Giáo viên IB – ATL
Hoạt động sau giờ học với chủ để Nâng cấp và Tái chế cho phép học sinh sáng tạo và giải quyết vấn đề thông qua các nguyên vật liệu được nâng cấp và tái chế. Các hoạt động bao gồm xây dựng và thử nghiệm các cây cầu làm từ hộp sữa đến việc thiết kế các sản phẩm nâng cấp từ nhựa. Học sinh đang ngày càng trở nên sáng tạo hơn! Tôi rất mong được thấy chương trình phát triển vào năm tới.
Cô Lê Minh Anh
Giáo viên IB – Khoa học
Các em học sinh Lớp 5 đang bận rộn chuẩn bị cho triển lãm PYP sắp tới. Triển lãm PYP là sự kiện tổng kết, nơi học sinh thể hiện sự hiểu biết và phát triển của mình trong suốt quá trình học PYP.
Học sinh Lớp 5 đã và đang có những tiến bộ vượt bậc trong việc học tập của mình. Các em chỉnh sửa slide thuyết trình, tạo video giới thiệu, suy nghĩ ý tưởng cho sản phẩm. Các em thực hiện tờ gấp quảng cáo, mô hình 3D để minh hoạ cho chủ đề, ý tưởng trọng tâm và các đề mục nghiên cứu.
Ngoài phần nghiên cứu của mình, học sinh còn có các hoạt động trong phòng thí nghiệm để khảo sát hàm lượng muối trong các mẫu nước ở Cần Giờ, Việt Nam. Các em đã phát hiện ra nhiều sinh vật khác nhau trong các mẫu này. Các em rất vui khi sử dụng thông tin này để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn nước và bảo tồn chuỗi thức ăn.
Học sinh lớp 5 đã cam kết hành động và tạo ra tác động tích cực cho xã hội. Các em mong muốn được thể hiện sự chăm chỉ và cống hiến của mình tại Triển lãm PYP. Nhà trường rất tự hào về thành tích của các em và mong chờ được nhìn thấy sản phẩm cuối cùng của các em.
Thầy Đỗ Trung Học
Giáo viên IB – ICT
Lập trình là một kĩ năng thiết yếu đang ngày càng trở nên quan trọng đối với thế hệ học sinh mới. Tại Tesla, chúng tôi tin rằng không bao giờ là quá sớm để giới thiệu cho học sinh môn học này, đó là lí do tại sao chúng tôi cung cấp các khóa học lập trình cho học sinh từ lớp KG đến lớp 5.
Các bài học lập trình của chúng tôi được thiết kế để dễ tiếp cận và hấp dẫn đối với học sinh nhỏ tuổi. Chúng tôi bắt đầu với các khối lệnh kéo và thả trực quan, cho phép học sinh tìm hiểu các khái niệm như trình tự, câu lệnh điều kiện và vòng lặp theo cách tương tác và thú vị. Thông qua phương pháp làm cho chương trình trở nên dễ dàng tiếp cận ngay từ khi còn nhỏ, chúng tôi hi vọng sẽ truyền cảm hứng cho học sinh theo đuổi sở thích của mình về công nghệ và chuẩn bị cho tương lai.
Học sinh lớp 3 lập chương trình mô phỏng quỹ đạo của Mặt Trời, Mặt Trăng, Trái Đất (https://scratch.mit.edu/projects/834582393/).
Học sinh lớp 4 lập chương trình mô phỏng quá trình quang hợp của thực vật (https://scratch.mit.edu/projects/834595005/).
Cô Nguyễn Thị Quỳnh Diên
Giáo viên IB – Nghệ Thuật
Nhiệt tình và quyết tâm, các em học sinh đã dồn cả trái tim và tâm hồn để đưa sự kiện Ngày Trái Đất vào ngày 21/04/2023 trở nên sống động, được thúc đẩy bởi niềm đam mê tạo ra tác động tích cực đến thế giới xung quanh họ.
Phông nền được làm từ túi nhựa tái chế và được tạo hình một cách nghệ thuật bởi nỗ lực hợp tác của các học sinh lớp 6 và lớp 5, đã mang đến một hình ảnh nổi bật cho lễ hội. Trong khi đó, sân trường được biến thành một màn trình diễn sáng tạo đầy mê hoặc, với một loạt các vật liệu tái chế, ví dụ như chai sữa chua và mô hình Trái Đất của lớp 3 được treo cẩn thận. Không chịu thua kém, các học sinh lớp 6 đã hỗ trợ dự án thiết kế thời trang của lớp 3, giúp tạo ra những bộ đồ từ giấy báo tuyệt đẹp cho các bạn nữ và trang phục rô-bốt bằng bìa cứng cho các bạn nam. Ngay cả những thành viên nhỏ tuổi nhất trong cộng đồng trường học cũng tham gia, học sinh lớp KG và lớp 5 lần lượt mặc những bộ quần áo và mũ thời trang từ nhựa tái chế và những chiếc nơ tái sử dụng.
Và cuối cùng, tất cả những nỗ lực chăm chỉ của các em đã gặt hái kết quả: một sự kiện Ngày Trái đất thành công, ngoạn mục, một minh chứng thực sự cho sự cống hiến và trách nhiệm của học sinh. Xin chúc mừng tất cả những người đã góp phần làm nên sự kiện này!
TRUNG HỌC (MYP)
Cô Angela Baker
Điều phối viên IB MYP
Xin chào các gia đình MYP. Chào mừng mọi người đến với Tesla Talk 5.0!
6 tuần vừa qua là 6 tuần bận rộn với Tuần lễ STEM, Họp phụ huynh 3 bên, chuyến đi dã ngoại thực tế đến công ty Việt Nam Waste Solutions, sự kiện Ngày Trái Đất, thi giữa kỳ 2 và cuối kỳ 2. Học sinh lớp 6 đang ôn tập chuẩn bị thi, tập trung thực hiện bài đánh giá tổng kết, hỗ trợ các bạn khác chuẩn bị cho sự kiện Ngày Trái Đất. Tôi muốn cảm ơn Tom, Nguyên, Phúc vì đã giúp đỡ cho buổi biểu diễn thời trang Ngày Trái Đất.
Khi năm học sắp kết thúc, chúng tôi mong muốn hoàn thành các dự án chung giữa môn I&S và môn EAL để học sinh có thể chia sẻ các triển lãm ảnh bảo tàng của mình. Chúng tôi sẽ hoàn thành năm học, tập trung vào toàn cầu hóa và tính bền vững ở cấp độ toàn cầu và xem xét cách học sinh có thể tạo ra sự khác biệt ở cấp độ địa phương.
Như mọi khi, cảm ơn mọi người đã hỗ trợ học sinh của chúng tôi và cộng đồng Tesla.
Thầy Alexander Gordillo
Giáo viên IB – EAL
Lớp 6
Chúng tôi đang hoàn thành một bài học chuyên sâu về Chiến tranh Việt Nam-Mỹ, trong đó, học sinh học cách mô tả các bức ảnh, đồng thời cung cấp bối cảnh lịch sử và xã hội. Chúng tôi cũng đang học những kĩ năng có giá trị về ghi chú, nghe và đọc hiểu, và tất nhiên có cả việc xây dựng bảng chú giải thuật ngữ cá nhân. Học sinh cũng tham gia kỳ thi EAL, trong đó các em thực hành nhiều kĩ năng tiếng Anh như đọc hiểu, phát âm, nghe các đoạn văn ngắn và sử dụng các luận điểm để thuyết trình bài nói ngắn. Tiết học năng động này về bản chất là khá nhạy cảm khi học sinh được xem những bức ảnh từ thời chiến tranh và suy ngẫm về chuyến đi của chính mình đến Dinh Độc Lập, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh và tượng đài Hòa thượng Thích Quảng Đức. Đáng chú ý là chúng tôi đã có một diễn giả khách mời kể cho chúng tôi câu chuyện của cô ấy về việc là một người tị nạn cùng với những nguy hiểm trên biển đối với những người tị nạn ở khắp mọi nơi. Cùng với môn Cá nhân & Xã hội, mục tiêu của bài học này không chỉ là phát triển các kĩ năng ngôn ngữ thông qua tìm hiểu về lịch sử mà còn phát triển la bàn đạo đức của chính các em.
Thầy Nguyễn Kiều Quốc Bảo
Giáo viên IB – Thể dục
Phát triển thể chất và các kĩ năng thể thao là một phần quan trọng trong chương trình học của các em. Chính vì thế, tôi luôn chú trọng làm sao có thể kích thích được sự yêu thích thể thao cho các em và giúp các em năng động hơn, siêng năng hơn trong vận động. Trong thời gian này, các em được học môn bóng chuyền và kĩ năng đầu tiên các em được học đó là đệm bóng. Đây là một kĩ thuật khó đối với các em, nhưng các em rất cố gắng để thực hiện tốt nó. Hãy cùng chúc mừng cho sự cố gắng của các em!
Cô Thạch Thị Lệ Thu
Giáo viên IB – Thư viện
Trung tâm Học liệu
Bộ sưu tập sách Ngày Trái Đất
Mẹ Trái Đất nằm trong tay những học trò nhỏ của chúng ta! Hãy dạy các em cách yêu thương hành tinh của chúng ta với một chút sự hỗ trợ từ danh sách các quyển sách yêu thích về Ngày Trái Đất! Bắt đầu những thói quen lành mạnh trong những năm đầu đời sẽ giúp những hành động nhỏ trở thành một lối sống. Dạy cho những học sinh nhỏ của chúng ta về tầm quan trọng của việc bảo vệ hành tinh là rất quan trọng! Phần hay nhất của những cuốn sách về Ngày Trái Đất là chúng làm cho việc bảo vệ hành tinh trở nên thú vị! Tìm cách tái sử dụng các vật dụng hoặc tái chế chai lọ, thủy tinh, giấy,… dạy các em nhỏ cách chăm sóc Trái Đất. Hãy giúp các em nhỏ tái chế sớm và thường xuyên!
Việc trích dẫn nguồn cho người mới bắt đầu
Ví dụ về nguồn trích dẫn là sách, trang web, tạp chí, báo, bài viết trực tuyến, biểu đồ và âm nhạc,… Tất cả những nguồn này đều do ai đó tạo ra. Mỗi tác phẩm đều thuộc về người đã tạo ra nó. Tác phẩm là tài sản trí tuệ của người đó. Khi học sinh tìm thấy thông tin hữu ích, các em nghĩ rằng nó miễn phí – nhưng các em đang sử dụng tài sản trí tuệ của người khác. Đó là lí do tại sao học sinh lớp 4, lớp 5 và lớp 6 học cách trích dẫn và tham khảo nguồn. Học sinh phải ghi lại nguồn của mình để công nhận người sở hữu ý tưởng mà các em đã sử dụng. Sử dụng thông tin từ người khác mà không ghi công họ được gọi là đạo văn. Việc trích dẫn nguồn mang lại tính tham chiếu cho sản phẩm của mình và cho giáo viên biết rằng các em đã nghiêm túc thực hiện nghiên cứu của mình. Tại Tesla, học sinh cố gắng trở thành những người học có nguyên tắc, có ý thức mạnh mẽ về sự công bằng. Trên thực tế, có nguyên tắc là một phần của Tố chất Tú tài Quốc tế IB, cùng với các tố chất khác như quan tâm và cởi mở.
TRẠI HÈ TESLA 2023
Kính gửi Quý Phụ huynh Tesla,
Trường Tesla trân trọng cảm ơn Quý Phụ huynh đã luôn tin tưởng, đồng hành và hỗ trợ Nhà trường trong suốt thời gian vừa qua.
Nhà trường xin giới thiệu chương trình Trại Hè Tesla 2023 dành cho học sinh bậc Mầm non và bậc Tiểu học, từ 02 đến 12 tuổi. Trại Hè sẽ diễn ra trong 6 tuần, từ ngày 19/06 đến 28/07/2023. Phụ huynh có thể đăng ký khóa 4 tuần hoặc 6 tuần cho các em.
Trại Hè là khoảng thời gian tuyệt vời để các em vui chơi, khám phá và trải nghiệm. Đặc biệt, Nhà trường dành tặng Ưu đãi 20% học phí khi Quý Phụ huynh thanh toán trước ngày 20/05/2023.
Quý Phụ huynh vui lòng tham khảo thông tin Trại Hè tại: https://tesla.edu.vn/chuong-trinh-dao-tao/chuong-trinh-he/ và đăng kí tham gia qua biểu mẫu sau: https://forms.gle/dyAbDm96i3zv97Ph8. Quý vị cũng có thể liên hệ với Bộ phận Chăm sóc qua email: teslacare@tesla.edu.vn hoặc số điện thoại 028 7307 9889 (bấm 102) / 0987 599 267 để đăng kí cho các em.
Trân trọng.
TUYỂN SINH NĂM HỌC 2023 - 2024
Chào mừng Năm học 2023 – 2024, Trường Quốc tế Tesla tuyển sinh từ bậc Mầm non đến bậc Trung học. Tesla hiện đang giảng dạy chương trình Tích hợp Tú tài Quốc tế IB.
– Chương trình đào tạo vừa đảm bảo chất lượng quốc tế, vừa gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa Việt.
– Học sinh khi tốt nghiệp sẽ được nhận Văn bằng Tú Tài Quốc tế IB và/hoặc Bằng Tốt nghiệp THPT Quốc gia, mở rộng cơ hội gia nhập các trường Đại học danh tiếng.
– Cơ sở vật chất khang trang, môi trường an toàn, hỗ trợ tối đa cho việc học.
– Đa dạng hoạt động cả trong và ngoài lớp học nhằm phát triển tư duy và kĩ năng cho học sinh.
– Đội ngũ giáo viên đa quốc gia, tâm huyết, giàu kinh nghiệm giảng dạy.
– Học phí ổn định, các gói hỗ trợ tài chính linh hoạt, giúp Phụ huynh an tâm đầu tư cho lộ trình học tập lâu dài của các em.
Chỉ dành cho học sinh nhập học Năm học 2023 – 2024, các em sẽ được tận hưởng nhiều ưu đãi tuyển sinh hấp dẫn từ Trường Tesla như:
– Tặng 50% Phí nhập học và Giảm đến 15% Học phí khi đăng kí ghi danh theo nhóm.
– Giảm 8% Học phí khi thanh toán trọn năm học trước ngày 31/05/2023.
– Cơ hội nhận Học bổng 15% Học phí cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 8.
– Tiết kiệm học phí lên đến 2 tỷ đồng khi tham gia Gói Tiết kiệm Giáo dục.
Hành trình học tập của con là một quãng đường dài, do đó, sự chuẩn bị chu đáo về mặt tài chính sẽ hỗ trợ tốt nhất cho con khi theo học chương trình Tích hợp Tú tài Quốc tế IB tại Tesla.
Quý Phụ huynh vui lòng liên hệ Bộ phận Tuyển sinh qua số điện thoại 0984 94 80 80 / 028 7307 9889 (Ext – 102) hoặc email admission@tesla.com.vn để được tư vấn chi tiết!
HỌC BỔNG TESLA 2023 - 2024
Sứ mệnh của Trường Tesla là cung cấp một môi trường học tập hỗ trợ và hấp dẫn, nhấn mạnh vào khoa học, thiết kế và công nghệ bằng cách cung cấp một nền giáo dục đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất, tập trung vào lợi ích về thể chất và tinh thần trong khi đảm bảo học sinh có nền tảng về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc. Tại Tesla, Chương trình Học bổng tài trợ học phí cho những người trẻ tuổi có năng lực và phẩm chất xuất sắc. Học bổng Tesla được xét tuyển hằng năm và ứng viên phải đăng kí lại để đảm bảo phù hợp điều kiện xét tuyển trong năm học tiếp theo.
Nhà trường đánh giá cao và cảm ơn Quý vị đã quan tâm đến Chương trình Học bổng Tesla 2023 – 2024.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành các bước tiếp theo trong quy trình học bổng và kết quả cuối cùng sẽ được công bố trước ngày 2 tháng 6 năm 2023.
Nếu Quý vị có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc liên quan đến học bổng, vui lòng liên hệ với Điều phối viên Học bổng của chúng tôi qua email scholarship@tesla.edu.vn hoặc số điện thoại 028 7307 9889 (Ext – 125).
Điều phối viên Chương trình Học bổng