MẦM NON (EYP)
Thầy Mark Nguyen
Giáo viên – EAL
Cách tốt hơn để tổng kết năm học ngoài việc tổ chức một buổi Triển lãm. Trong suốt ngày hôm nay, các em học sinh EYP EAL của Tesla đã trình bày các áp phích tóm tắt các chủ đề học được trong học kỳ này. Các Đặc điểm của Các Sinh vật Sống và Động vật (lớn và nhỏ) đã được trưng bày để tất cả các bậc phụ huynh tự hào, gia đình và cộng đồng Tesla có thể thấy.
Các sản phẩm dự án và thuyết trình là cơ hội tuyệt vời để các em rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, thực hành, quản lý thời gian và kỹ năng thuyết trình. Ngoài ra, những bài tập này cũng giúp cải thiện sự tự tin, đặc biệt là kỹ năng nói trước công chúng, điều này sẽ giúp các em bắt đầu sớm trên con đường đến thành công trong tương lai của riêng mình.
Các em học sinh EAL khối Early Years đã hoàn thành các sản phẩm, và mỗi em đã trình bày các sản phẩm này thật tuyệt vời, thu hút và đầy thông tin, tất cả các em đều nên tự hào vì điều này. Hãy tiếp tục nỗ lực tốt nhé các em EYP EAL
Cô Trần Thị Ngọc Trinh
Giáo viên Mầm non
Nhằm để các em nâng cao sự hiểu biết hơn về thiên nhiên, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, trải nghiệm thực tế về dự án “Chia sẻ hành tinh”. Trong mỗi dự án thì các em sẽ có những chuyến đi thực tế và Thảo Cầm Viên – nơi bảo tồn nhiều loài thực vật và động vật hoang dã quý hiếm, thích hợp cho các em trải nghiệm.
Khi đến Thảo Cầm Viên, các bé bắt đầu ăn sáng, uống sữa để sẵn sàng cho cuộc trải nghiệm những điều mới mẻ và lạ lẫm ở một thế giới rộng lớn của các loài động – thực vật. Các em bắt đầu đi tham quan, quan sát trực tiếp nhiều loài động vật: Khỉ, gấu, vượn, hươu cao cổ, heo rừng, voi, cá sấu, đà điểu,… và tìm hiểu các loài cây cảnh quý hiếm.
Các em vô cùng thích thú khi thấy các loài động vật mà trước giờ chỉ được nghe kể qua tranh ảnh hay tivi. Các em chăm chú quan sát chúng, gọi tên từng loài vật và tỏ ra phấn khích đối với những động vật mà các em mới nhìn thấy lần đầu. Có em còn làm theo động tác, tiếng kêu của loài động vậy vừa nhìn thấy.
Cô Nguyễn Thị Thùy Trang
Giáo viên Mầm non
Trong hai tháng cuối cùng của năm học này, các em lớp Foundation 1 đã được tham gia dự án “Chia sẻ hành tinh”. Các em được tự tay trồng cây cà chua, thu gom rác thải, tái chế chai nhựa thành chậu cây và tham gia các buổi học về bảo vệ môi trường, giúp các em hình thành nên tình yêu thiên nhiên từ khi còn rất nhỏ. Các em được trải nghiệm hoạt động nhổ cà rốt, trồng mồng tơi, thăm ruộng lúa,… một cách hứng thú và say mê trong chuyến đi trải nghiệm tại nông trại ở Củ Chi.
Đây chính là những bài học quý giá, không chỉ trong sách vở mà còn trong cuộc sống thực tế, giúp các em trưởng thành và trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Cô Phạm Thị Thanh Phúc
Giáo viên Mầm non
Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tham gia vào một hoạt động vô cùng thú vị: rèn kỹ năng sử dụng dao an toàn cho trẻ. Trong thế giới đầy màu sắc và hứng thú của trẻ, việc học cách sử dụng dao một cách an toàn là một kỹ năng vô cùng quan trọng.
Chúng ta sẽ không chỉ học cách cầm và sử dụng dao một cách chính xác mà còn học cách phân biệt giữa dao và các dụng cụ khác. Qua hoạt động này, các em sẽ được trải nghiệm và học cách thực hiện các nhiệm vụ như cắt rau củ, cắt hoa quả hay bánh mì một cách an toàn và hiệu quả.
Chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra một môi trường an toàn và vui vẻ để các em có thể tự tin và thoải mái khi tham gia vào hoạt động này. Bằng sự giúp đỡ và hướng dẫn của cô, các em sẽ có cơ hội phát triển cũng như nhận thức về an toàn khi sử dụng dao.
Cô Trần Thị Hồng Thắm
Giáo viên Mầm non
Trong dự án cuối cùng này, các em đã cùng nhau khám phá những gì khiến cho sự sống được duy trì, tìm hiểu về những nhu cầu cần thiết cho sự sống; các em học cách chăm sóc cây cối, trồng cây và chăm sóc các con vật.
Kết quả của việc tìm hiểu này là các em đã tạo ra một vườn nấm nhỏ. Được thu hoạch và quan sát chúng phát triển hằng ngày giúp cho các em phát hiện thêm nhiều kiến thức mới và có nhiều khám phá mới được khơi mào.
Cuối cùng là một triển lãm đầy tự hào về những khám phá được trình bày đến ba mẹ và các thầy cô.
Cô Đàm Lê Thủy Tiên
Giáo viên Mầm non
Các em học sinh lớp KG đã được trải nghiệm và khám phá dự án với những hoạt động vô cùng thú vị.
Các em biết phân biệt những vật thể có sự sống và vật thể không có sự sống, được trực tiếp thấy được sự phát triển của một số sinh vật có sự sống. Biết lợi ích mà chúng mang lại và phải làm thế nào để bảo vệ chúng. Đặc biệt trong dự án “Hiểu về những gì tạo nên sự sống, giúp chúng ta chăm sóc – bảo vệ các sinh vật sống”, các em được tham gia hoạt động HỘI CHỢ TRAO ĐỔI SINH THÁI, giúp các em hiểu rằng thay vì vứt bỏ những món đồ cũ vẫn còn tốt, phụ huynh có thể cùng các em chọn ra một vài món đồ còn sử dụng được, mang chúng đến hội chợ và đổi lấy những món đồ yêu thích khác do những người tham gia đóng góp.
Những trải nghiệm trong suốt dự án giúp các em được tìm hiểu và khám phá về các bộ phận, chức năng và lợi ích của nấm. Các em nhận biết được cây nấm phát triển như thế nào, cách chăm sóc nấm. Đặc biệt là được thu hoạch nấm ngay tại trường khi các em đã tạo ra được vườn nấm nhỏ để quan sát và chăm sóc chúng mỗi này.
Việc khám phá và tìm hiểu thông qua vật thật và chúng luôn được xuất hiện ngay trong môi trường học tập hằng ngày giúp các em khám phá, học hỏi và ghi nhớ các kiến thức một cách tự nhiên.
TIỂU HỌC (PYP)
Cô Nguyễn Thị Minh Hà
Điều phối viên IB PYP
Kính thưa Quý Phụ huynh,
Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến từng Quý vị vì sự hỗ trợ và tham gia liên tục của Quý vị với chương trình PYP của chúng tôi. Sự tham gia của Quý vị là rất quan trọng trong việc xây dựng một môi trường nuôi dưỡng, nơi mà học sinh của chúng ta có thể phát triển mạnh mẽ.
Một khái niệm quan trọng khác bên cạnh “Tính tự chủ” mà chúng tôi đã nhấn mạnh là sức khỏe thể chất và tinh thần (Well-being). Chúng tôi tin rằng Well-being của học sinh là nền tảng cho sự phát triển toàn diện và thành công của các em. Nỗ lực của chúng tôi tập trung vào việc tạo ra một môi trường cân bằng, nơi mà sức khỏe thể chất, cảm xúc và xã hội được ưu tiên cùng với thành tích học tập.
Chúng tôi đã giới thiệu nhiều sáng kiến và hoạt động khác nhau nhằm hỗ trợ và nâng cao well being của học sinh. Mục tiêu của chúng tôi là trang bị cho học sinh những công cụ và chiến lược cần thiết để quản lý căng thẳng, xây dựng sự kiên cường và duy trì cái nhìn tích cực về cuộc sống.
Cảm ơn Quý vị vì sự hỗ trợ liên tục và vì đã là những đối tác tích cực trong việc thúc đẩy cả sự tự chủ và Well-being trong cộng đồng PYP của chúng tôi. Cùng nhau, chúng ta có thể đảm bảo rằng học sinh của chúng ta không chỉ là những người học thành công mà còn là những cá nhân hạnh phúc, khỏe mạnh và toàn diện.
Trân trọng,
Cô Tăng Tường Phượng Hoàng
Giáo viên IB – Chủ nhiệm Lớp KG
Chủ điểm “Chia sẻ hành tinh” là một cơ hội tuyệt vời để học sinh lớp KG khám phá về thế giới tự nhiên xung quanh chúng ta, đặc biệt là động vật và môi trường sống của chúng.
Hoạt động trải nghiệm đi Thảo Cầm Viên nhằm giúp học sinh có thể quan sát và đánh giá các loài động vật một cách trực quan nhất. Học sinh gọi đúng tên các con thú trong vườn, rồi chỉ trỏ, ngắm nhìn, bình luận và đặt những câu hỏi xôn xao về các con vật. Các em còn được giáo viên hướng dẫn tham quan bảo tàng trưng bày các loài động – thực vật, giới thiệu về vòng đời của loài bướm, từ tranh ảnh, mẫu vật đến hình ảnh sống động ngoài tự nhiên.
Các em còn tự làm bài tập về phân loại động vật, đếm số lượng mỗi loài động vật tương ứng và xác định môi trường sống của chúng. Hoạt động này nhằm truyền đạt cho học sinh thông điệp về việc bảo vệ môi trường và sự quan trọng của việc chăm sóc cho hành tinh của chúng ta.
Cô Bùi Thị Hồng Minh
Giáo viên IB – Chủ nhiệm Lớp 1
Với chủ đề “Chia sẻ hành tinh”, các em đã tham gia vào nhiều hoạt động thú vị và bổ ích, qua đó không chỉ nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường mà còn học hỏi được nhiều kiến thức thực tế và kỹ năng cần thiết. Trước khi bắt đầu tham gia vào “Ngày Trái Đất”, học sinh đã có cơ hội tham gia vào buổi học để hiểu rõ hơn về lịch sử của Ngày Trái Đất, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và những hành động thiết thực mà mỗi người có thể thực hiện để góp phần bảo vệ hành tinh.
Học sinh lớp 1 đã sử dụng những chai nhựa đã qua sử dụng, cát, sỏi, than hoạt tính và vải lọc để tạo nên chiếc máy lọc nước đơn giản nhưng hiệu quả, giúp các em hiểu rõ hơn về quá trình lọc nước và tầm quan trọng của việc sử dụng tài nguyên một cách hợp lý.
Cô Nguyễn Thị Diễm Trinh
Giáo viên IB – Chủ nhiệm Lớp 2
Tháng 5 là một tháng đặc biệt đối với học sinh. Các em bày tỏ tình yêu và lòng biết ơn dành cho mẹ. Học sinh lớp 2 thể hiện sự sáng tạo bằng cách cắm hoa và trang trí lọ hoa từ chai Yakult để tặng mẹ. Trong thời gian này, các em đang khám phá chủ đề cuối cùng của năm học – “Chúng ta thể hiện bản thân như thế nào”. Các em học cách bộc lộ tình cảm và cảm xúc, mang lại sự dễ chịu cho bản thân và mọi người xung quanh. Các em hiểu rằng mỗi người có cách thể hiện riêng và học cách tôn trọng điều đó, cũng như biết thể hiện bản thân theo cách của mình.
Cô Nguyễn Hoàng An Khanh
Giáo viên IB – EAL
Trong đơn vị bài học cuối cùng – “Chúng ta thể hiện bản thân như thế nào”, học sinh đã tạo ra một cuốn sách về cảm xúc. Hoạt động này cho phép các em thể hiện bản thân qua việc viết và suy ngẫm về cảm xúc của mình. Các em đã khám phá vì sao mình lại cảm thấy như thế xác định những điều mà mình biết ơn và suy nghĩ về cách mình thường xử lý các cảm xúc khác nhau. Sau khi hoàn thành những cuốn sách cảm xúc đầy màu sắc và sáng tạo, các em đã chia sẻ chúng với bạn bè! Các em đã cùng nhau thảo luận cách mình xử lý cảm xúc đã tích cực hay cần cải thiện. Hoạt động này là một cách thức tuyệt vời để luyện tiếng Anh, tìm hiểu về cảm xúc và chia sẻ với bạn bè!
Cô Nguyễn Thị Thanh Sang
Giáo viên IB – Chủ nhiệm Lớp 3
Chủ đề thứ tư của năm học là “Chúng ta ở đâu và thời điểm nào”. Những kiến thức thú vị về một số loài vật có đặc tính di cư như cá hồi, cua đỏ, bướm Monarch,… được học sinh tìm tỏi, khám phá. Ngoài ra, học sinh còn nghiên cứu về các yếu tố dẫn đến sự di cư ở người, sự thay đổi của môi trường sau khi quá trình di cư diễn ra,…
Chủ đề thứ năm mà lớp nghiên cứu là “Chia sẻ hành tinh”. Học sinh đã mất rất nhiều thời gian để viết nên các câu chuyện mang thông điệp bảo vệ môi trường và trình diễn trong buổi chào cờ của lớp và cũng là Ngày Trái Đất của trường. Để đào sâu kiến thức cho học sinh trong chủ đề này, các em đã có chuyến đi thực tế đến Trung tâm xử lý rác thải Vietnam Waste Solutions để xem các quy trình và công nghệ được áp dụng trong việc xử lý rác thải, từ đó nâng cao ý thức giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường.
Chủ đề cuối mà học sinh nghiên cứu là “Thế giới hoạt động ra sao”. Các em được nghiên cứu về mùa mưa ở thành phố Hồ Chí Minh. Tình trạng ngập nước do thuỷ triều (ảnh hưởng của mặt trăng lên Trái Đất), làm thế nào để bảo vệ bản thân và nhắc nhở mọi người giữ an toàn trong mùa mưa,… Đó là những kiến thức rất bổ ích khi mùa mưa đang đến gần.
Cô Nguyễn Trương Như Quỳnh
Giáo viên IB – Chủ nhiệm Lớp 4
Trong chủ đề “Cách chúng ta tự tổ chức bản thân”, em được tìm hiểu và thực hành về một số quy tắc quan trọng trong lớp học cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Thông qua bài học “lễ hội Hùng Vương” em thể hiện được niềm tự hào dân tộc, học được tinh thần đoàn kết khi làm một việc và cũng như biết giữ gìn truyền thống văn hóa của Việt Nam. Các em cũng đã thảo luận về các tình huống khác nhau để hiểu rõ hơn về những gì đúng và không đúng dựa trên những quy tắc này. Khi các em biết tuân thủ quy tắc, cô tin rằng em sẽ làm việc hiệu quả hơn và đạt được nhiều thành công hơn trong cuộc sống và học tập.
Cô Đoàn Thị Huỳnh Hạnh
Giáo viên IB – Chủ nhiệm Lớp 5
Quá trình học tập truy vấn cho nội dung “Chia sẻ hành tinh” được thể hiện rõ bắt đầu từ việc tìm kiếm, phân tích, sàng lọc và lựa chọn đề tài đời sống trên cạn và dưới nước, cũng như đưa ra những hành động cụ thể từ sau hai chuyến đi trải nghiệm thực tế tại công viên Lê Văn Tám và dọc tuyến đường kênh Nhiêu Lộc. Thông qua trải nghiệm, các em đã biết đưa ra những hiểu biết của bản thân bằng nhiều hình thức khác nhau như vẽ tranh về môi trường, làm mô hình về môi trường sống trên cạn và dưới nước, mô hình về cá voi mắc cạn và loài nhím bị hủy hoại vì những tác động của con người, mô hình xử lý rác thải,… Không những thế, các em đã chủ động liên lạc với tổ chức Sài Gòn Xanh để có buổi phỏng vấn nhằm mở rộng thêm hiểu biết của bản thân.
Đặc biệt, các em tổ chức liên tiếp 2 buổi hoạt động ngoại khóa nhằm tuyên truyền về vấn đề bảo vệ môi trường, thu hút đông đảo học sinh khối 3 – 4 tham gia. Buổi triển lãm được tổ chức trong 2 ngày 30 và 31/5, dựa trên kĩ thuật học tập theo trạm với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các hoạt động như thuyết trình, hỏi đáp, học tập qua trò chơi và hoạt động tái chế thú vị tại gian hàng “Phát triển bền vững”.
Các em đã thể hiện được những kĩ năng học tập tích cực và tư duy mở của thế kỉ 21, khả năng tự chủ và tinh thần trách nhiệm từ khâu chuẩn bị đến công tác hậu cần. Triển lãm cuối cấp là cột mốc vô cùng quan trọng và là ấn tượng nổi bật của các em học sinh lớp 5. Một năm học khép lại nhưng những gì các em đã làm là một minh chứng tuyệt vời cho sự trưởng thành của quá trình học tập PYP tại Tesla.
Cô Christina Lawrence
Giáo viên IB – EAL
Với tư cách là giáo viên EAL cấp Tiểu học, tôi đã giúp học sinh phát triển kỹ năng đọc, viết, nghe và nói. Triết lý giảng dạy của tôi là tạo ra một môi trường học tập vui vẻ và hấp dẫn. Tôi nhận thấy rằng việc ứng dụng các bài học của mình hoặc tìm ra những cách sáng tạo để trình bày thông tin là phương pháp tốt nhất để tăng sự hứng thú của học sinh. Học sinh đã hoàn thành một số hoạt động và nhiệm vụ trong suốt mỗi bài học: tóm tắt, viết đoạn văn, thuyết trình, từ vựng (word banks), phát triển kỹ năng hiểu và tư duy phê phán. Tất cả các hoạt động đã được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu của đơn vị bài học. Các bài đánh giá quá trình thường xuyên được giao và sử dụng để đánh giá mức độ hiểu bài của học sinh trong nửa đầu của bài học. Tôi sẽ tạo cơ hội cho học sinh thực hành bài thuyết trình tóm tắt của mình và đưa ra phản hồi. Trong suốt năm học, tôi đã thấy sự tiến bộ vượt bậc trong công việc của học sinh và tôi tự hào về những gì các em đã đạt được.
Thầy Brandon Williams
Giáo viên IB – UOI
Là giáo viên của các em trong 3 năm qua, tôi không tự hào vô cùng đối với các em học sinh lớp 5 sau khi chứng kiến hành trình đáng nhớ của các em qua Triển lãm PYP.
Từ những ngày đầu tò mò và tròn mắt ngạc nhiên cho đến thời điểm đạt được thành tựu này, tôi đã thấy các em phát triển thành những người học hỏi tự tin và chu đáo. Sự phát triển của các em không có gì đáng ngạc nhiên.
Trong Triển lãm, các em đã giải quyết những vấn đề thực tế bằng niềm đam mê và sự sáng tạo. Những câu hỏi của các em đi sâu vào các chủ đề như bảo tồn môi trường, cuộc sống dưới nước và cuộc sống trên cạn. Họ hợp tác, nghiên cứu và trình bày những phát hiện của mình một cách tự tin. Cam kết của họ trong việc tạo ra tác động tích cực đến hành tinh của chúng ta được thể hiện rõ ràng trong từng lời nói, mọi cách sắp xếp và hành động được thực hiện.
Họ đã phát triển sự đồng cảm, thể hiện khả năng kiên trì và hỗ trợ lẫn nhau – tất cả đều là minh chứng cho tính cách của các em và môi trường nuôi dưỡng mà chúng ta đã cùng nhau thực hiện.
Khi các em bước vào những cuộc phiêu lưu mới, tôi biết các en không chỉ mang theo kiến thức mà còn cả ý thức về mục đích. Các em là những người tạo ra sự thay đổi, những người có ước mơ và là những nhà lãnh đạo tương lai. Và tôi không thể tự hào hơn khi được trở thành một phần trong hành trình của các em.
Cô Lê Minh Anh
Giáo viên IB – Khoa học
Trong học kỳ này, nhóm các nhà khoa học lớp 5 đầy nhiệt huyết của chúng tôi đã bắt đầu một hành trình thú vị để khám phá thế giới ẩn giấu của sinh học đất và chất lượng nước. Dựa vào phương pháp khoa học, các em đã khám phá một thế giới đầy những vi sinh vật nhỏ bé và vai trò quan trọng của chúng trong hệ sinh thái.
Lớp học đã biến thành phòng thí nghiệm nghiên cứu sôi động. Học sinh trở thành các nhà khoa học và tìm hiểu các khái niệm cơ bản về độ pH, sự khác biệt giữa axit và bazơ, vai trò của vi sinh vật đối với sức khỏe của đất. Các em đã có cơ hội thực hành với kính hiển vi, quan sát thế giới vi khuẩn dưới lòng đất, nơi chúng phân hủy chất hữu cơ và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng.
Hành trình khám phá khoa học này không chỉ là học kiến thức mà còn phát triển ý thức bảo vệ môi trường. Các nhà khoa học lớp 5 của chúng ta đã hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa sinh học đất và chất lượng nước qua việc nghiên cứu và khám phá thực tế.
Giờ đây, các em đã chuẩn bị tốt hơn để nhận thức về sự cần thiết phải bảo vệ những tài nguyên quý giá này vì một hành tinh khỏe mạnh hơn.
Cô Nguyễn Thị Quỳnh Diên
Giáo viên IB – Nghệ thuật
Các em học sinh lớp 5 đã thực hiện Dự án Triển lãm, thể hiện khả năng và kiến thức mà các em đã học được trong 5 năm theo học chương trình PYP.
Một nhóm đã chọn chủ đề tập trung vào mối quan hệ giữa con người và môi trường, cụ thể là cuộc sống dưới nước. Các câu hỏi nghiên cứu bao gồm tác động của con người lên môi trường, cách môi trường ảnh hưởng đến con người và lý do con người cần thích ứng để bảo vệ môi trường.
Nhóm khác thì tập trung vào cuộc sống trên cạn. Các em đã đề cập đến ý tưởng trọng tâm “Mối quan hệ giữa con người và môi trường” và các câu hỏi nghiên cứu bao gồm “Tác động của việc tiêu thụ của con người lên thế giới tự nhiên”, “Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa con người và môi trường” và “Giải pháp để tạo ra một hành tinh bền vững”.
Các em đã tạo ra các tác phẩm nghệ thuật liên quan đến các chủ đề đã chọn, đặc biệt là khi các em làm mô hình 3D của cá voi và nhím bằng kỹ thuật giấy bồi. Các em cảm thấy tự hào về những gì mình đã tạo ra.
Triển lãm sẽ diễn ra vào ngày 31 tháng 5 năm 2024.
Các em Lớp 5 đã làm rất tốt.
Thầy Đỗ Sự
Giáo viên IB – Giáo dục Thể chất
Mới ngày nào các em học sinh lớp 1 trường Tesla còn bỡ ngỡ và lo sợ mỗi khi đến giờ học bơi, có bạn thì cười, có bạn thì khóc.
Sau một năm chăm chỉ và nỗ lực tập luyện giờ đây các em đã trở thành những chú ếch con, đầy tự tin để có thể thực hiện những cú nhảy mạnh mẽ và chinh phục cự ly bơi 25m với kĩ thuật bơi ếch mà các em đã khổ luyện trong suốt năm học lớp 1 của mình.
Cô Lê Quỳnh Ny
Giáo viên IB – Âm nhạc
Trong học kỳ vừa qua, các em học sinh đã nghiên cứu và thực hành âm nhạc thông qua các tiêu chuẩn quốc tế như: Trình bày phiên bản cuối cùng của âm nhạc do tự mình tạo ra cho người khác và mô tả mối liên kết với ý đồ diễn đạt, thể hiện sự hiểu biết về cấu trúc trong âm nhạc được lựa chọn để biểu diễn, tạo ra các ý tưởng âm nhạc (như nhịp điệu và giai điệu) trong một tông và nhịp điệu nhất định.
Các em đã thể hiện những kỹ năng đó khi biểu diễn ca khúc “Hãy ở bên tôi” phiên bản trên toàn thế giới.
Các em cũng sử dụng tiêu chuẩn của ký hiệu biểu tượng, công nghệ ghi âm với phòng lab âm nhạc để ghi lại ý tưởng âm nhạc về nhịp điệu và giai điệu cá nhân.
TRUNG HỌC (MYP)
Thầy Milky Lloyd De Leon Santos
Giáo viên IB – Tiếp thu Ngôn ngữ
Khi học kỳ 4 gần kết thúc cũng là lúc các em học sinh MYP hoàn thành bài kiểm tra cuối kỳ của mình.
Để bài kiểm tra vừa thú vị vừa hiệu quả, cũng như tuân thủ các yêu cầu và tiêu chuẩn của IB, các giáo viên đã xây dựng một đơn vị bài học liên môn cho các học sinh MYP. Đơn vị bài học này là một phần của chương trình Tú tài Quốc tế (IB) tích hợp học tập qua các môn học khác nhau. Những đơn vị bài học này được thiết kế để giúp học sinh tạo ra sự liên kết giữa các môn học và áp dụng kiến thức và kỹ năng của mình một cách toàn diện và thống nhất.
Trong đơn vị bài học này, các môn ngôn ngữ, cá nhân và xã hội, mỹ thuật đã phối hợp để tạo ra một dự án thể hiện tiềm năng toàn diện của học sinh. Sau đây là các nhiệm vụ IDU được thiết kế:
CHỦ ĐỀ LỚN: KHỦNG HOẢNG NƯỚC
MYP 1 – Chiến dịch bảo tồn nước: Học sinh lớp 6 đã tạo ra các thông báo dịch vụ công cộng (PSA) tập trung vào việc bảo tồn nước. Các em đã sản xuất video chiến dịch và tiến hành nghiên cứu chuyên sâu để nêu bật tầm quan trọng của việc tiết kiệm nước.
MYP 2 – Chiến dịch phân phối nước: Học sinh lớp 7 đã giải quyết vấn đề phân phối nước. Các em đã thiết kế và xây dựng các mô hình phân phối nước tự chế và tổng hợp nghiên cứu để hiểu và trình bày cách nước có thể được phân phối hiệu quả hơn trong các cộng đồng khác nhau.
MYP 3 – Chiến dịch lọc nước: Học sinh lớp 8 tập trung vào việc lọc nước. Các em đã tự xây dựng các mô hình lọc nước và tiến hành nghiên cứu để khám phá các phương pháp khác nhau làm cho nước trở nên an toàn để tiêu thụ.
Mục tiêu chính của các dự án này là nâng cao nhận thức về khủng hoảng nước toàn cầu hiện nay. Thông qua việc tham gia vào các hoạt động thực hành này, học sinh không chỉ học về các khía cạnh khoa học và xã hội của việc bảo tồn nước mà còn phát triển các kỹ năng nghiên cứu, hợp tác và thuyết trình.
Cuối cùng, học sinh MYP đã thực hiện một “Hoạt động Tổng kết”, các em đã trình bày dự án của mình vào ngày 29 tháng 5, 2024, thứ Tư, từ 8:45 sáng đến 10:35 sáng tại phòng Âm nhạc MYP.
Để tăng thêm phần thú vị, các học sinh hoặc nhóm học sinh có điểm số cao nhất trong mỗi lớp sẽ được thưởng vé xem phim, kèm theo bắp rang và nước uống.
Cô Huỳnh Thụy Nguyên Mai
Giáo viên IB – Ngôn ngữ và Văn học
Toàn bộ học sinh MYP đã thuyết trình về Ngày Trái Đất bằng cách sử dụng đồ hoạ thông tin. Hoạt động này là kết quả từ sự phối hợp giữa môn Mỹ thuật, môn ngữ văn và môn tiếng anh cho mục tiêu liên môn của học kỳ này về chủ đề khủng hoảng nước.
Chúng tôi đã tăng cường ôn tập cho kỳ thi MOET sau kỳ nghỉ trong suốt tuần này. Lớp 6 đã thực hành viết nghị luận về các hiện tượng xã hội, đọc hiểu (truyện), và ngữ pháp tiếng Việt (từ vay mượn và chức năng dấu ngoặc kép).
Lớp 7 tiếp tục đọc thơ tự do, ngữ pháp tiếng Việt (cách mở rộng chủ từ và động từ của câu) và viết tiểu luận thể hiện cảm xúc về người thân yêu của các em.
Lớp 8 gặp khó khăn với những câu chuyện lịch sử do từ vựng cổ điển mà các em được giao.
Ngoài ra, các em còn học về câu trả lời phủ định, câu cảm thán, câu hỏi và mệnh lệnh và cách chuyển đổi giữa chúng. Bài luận của lớp 8 là viết một câu chuyện về một cuộc hành trình, kết hợp cảm xúc và miêu tả.
Đối với bài đánh giá tổng kết, dự án của các em được tích hợp với Bài học Liên môn về Khủng hoảng Nước, mỗi lớp tập trung vào một chủ đề cụ thể trong chủ đề chung đó. Học sinh đang tạo ra các áp phích tuyên truyền và biểu đồ thông tin liên quan đến vấn đề khủng hoảng nước mà các em đã chọn. Tuyên truyền nhằm thuyết phục người xem bằng một tuyên bố mạnh mẽ, nâng cao nhận thức về cuộc khủng hoảng. Biểu đồ thông tin sẽ trình bày dữ liệu và đề xuất giải pháp, dựa trên bằng chứng vững chắc. Học sinh đang tham gia vào tất cả các hoạt động trong môn học của tôi và tất cả đã làm rất tốt!
Cô Nguyễn Thị Hoa Đào
Giáo viên IB – Toán
Học kỳ này là một hành trình khám phá cho các em học sinh, đặc biệt là Tuần Lễ STEM. Đây là hoạt động vô cùng thú vị cho học sinh tìm hiểu công nghệ nhà thông minh. Thông qua các hoạt động thực hành và thí nghiệm, các em đã khám phá nguyên lý hoạt động của các thiết bị như cảm biến ánh sáng, hệ thống nhận diện vân tay, báo cháy và thẻ từ. Các em đã làm việc nhóm để chuẩn bị các bài thuyết trình tập trung vào các thiết bị cụ thể và ứng dụng của chúng trong gia đình, bao gồm các chủ đề như an toàn cháy nổ và cửa tự động. Ngoài ra, các em học sinh còn mở rộng việc học của mình ra ngoài lớp học bằng cách tạo video phỏng vấn các chuyên gia về khái niệm thời gian, thu thập những hiểu biết về tầm quan trọng của thời gian trong các lĩnh vực khác nhau và trong cuộc sống hàng ngày.
Cô Nguyễn Ngọc Duyên
Giáo viên IB – Nghệ thuật
Năm học này là một hành trình tuyệt vời đối với cả học sinh và giáo viên. Chúng ta đã tạo ra những bức tranh, hình vẽ và mô hình 3D tuyệt vời, sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau. Chúng ta cũng đã nghiên cứu và thuyết trình về các nghệ sĩ nổi tiếng từ Việt Nam và các vùng khác trên thế giới. Chúng ta đã học cách tôn trọng và đánh giá cao các nền văn hóa khác nhau, cũng như thể hiện tầm nhìn thẩm mỹ của chúng ta về mọi thứ đã xảy ra và đang diễn ra trên thế giới. Chúng ta cũng có những trải nghiệm tuyệt vời trong chuyến thăm thú vị của chúng ta về một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất mọi thời đại – Van Gogh và cách công nghệ đóng góp vào trải nghiệm của mọi người trong nghệ thuật. Chúng ta đã trưởng thành hơn mỗi ngày, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều điều để học và luôn có cơ hội để cải thiện. Hãy mở lòng đón những cơ hội tuyệt vời nhất!
Thầy Trịnh Hải Dương
Giáo viên IB – Thiết kế
Các học sinh MYP tại Trường Tesla đang bắt đầu nhiều dự án thú vị khác nhau. Lớp 6 khám phá tác động của thức ăn đối với con người và hành tinh, trong khi lớp 7 đào sâu vào động lực đằng sau các biểu ngữ thể thao. Lớp 8 tập trung vào việc tạo ra không gian sống cá nhân hóa. Ngoài ra, học sinh có cơ hội khám phá Trình tạo hình ảnh AI của Freepik.
Suốt cả học kỳ, lớp 8 sẽ xây dựng các nơi trú ẩn bằng giấy-carton để chống chịu động đất và lũ lụt. Lớp 6 phân tích công thức thức ăn, thực hành tiêu thụ có trách nhiệm và học về Mục tiêu 12 của Liên Hiệp Quốc. Lớp 7 kỷ niệm Tháng Phụ nữ thông qua việc nghiên cứu lịch sử phụ nữ.
Cuối cùng, học sinh tự đánh giá về quá trình học tập của mình, lớp 6 nhấn mạnh tầm quan trọng của đồ chơi đối với trẻ em tị nạn, lớp 7 khám phá cách các nhãn dán (sticker) có thể dùng để hỗ trợ các mục tiêu tốt đẹp, lớp 8 xác định cờ quốc gia từ khắp nơi trên thế giới. Lớp 6 và 7 cũng thực hiện các bài thuyết trình liên quan đến Liên Hiệp Quốc, trong khi lớp 8 vẽ lại các lá cờ để hiểu về ý nghĩa của chúng.
Thầy Nguyễn Kiều Quốc Bảo
Giáo viên IB – Giáo dục Thể chất
Thời gian vừa qua, học sinh MYP đã có những trải nghiệm vô cùng phong phú và bổ ích. Ngoài việc rèn luyện sức khỏe, các em còn được trang bị những kiến thức và kỹ năng mới mẻ từ môn bóng rổ. Sự hào hứng và quyết tâm của các em được thể hiện rõ rệt qua những trận đấu kịch tính, hấp dẫn, đầy tinh thần đồng đội và cạnh tranh lành mạnh. Môn bơi lội cũng mang lại nhiều hứng khởi không kém. Các em đã được học và thực hành những kỹ thuật cực kỳ quan trọng như tự cứu đuối và cứu người gặp nạn. Đây là những kỹ năng đòi hỏi sự tập trung cao độ và tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc an toàn. Thông qua các bài kiểm tra, các em đã thể hiện sự nỗ lực và khả năng thực hành tốt, điều này thật đáng khen ngợi. Những trải nghiệm này không chỉ giúp các em nâng cao thể chất mà còn trang bị cho các em những kỹ năng sống cần thiết, giúp các em tự tin hơn trong cuộc sống hàng ngày. Chúc mừng các em đã hoàn thành xuất sắc và hy vọng các em sẽ tiếp tục duy trì tinh thần học tập và rèn luyện này trong thời gian tới!