Nhiều chuyên gia giáo dục đã coi STEAM là một nhân tố thiết yếu của nền giáo dục thế kỷ 21. Trong một thế giới liên tục thay đổi, điều quan trọng hơn hết là các học sinh phải chuẩn bị nền tảng kiến thức và kỹ năng để có năng lực tự giải quyết vấn đề, hiểu rõ thông tin, biết cách tiếp thu chọn lọc và tự đánh giá. Nâng cao các kỹ năng đó cũng là trọng tâm của giáo dục STEAM.
STEAM là gì và quan trọng ra sao?
STEAM là từ viết tắt cho Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Art (Nghệ thuật) và Mathematics (Toán học). Điểm nổi bật của STEAM là sự kết nối giữa các lĩnh vực vào thực tế. Các thí nghiệm, hoạt động thực hành thường xuyên diễn ra để các em được thảo luận, tự rút ra kết luận và nhờ đó sẽ ghi nhớ sâu sắc hơn.
Giáo dục STEAM tập trung vào việc khơi gợi niềm hứng thú, yêu thích suốt đời đối với khoa học và nghệ thuật ở trẻ ngay từ khi còn nhỏ. STEAM truyền cảm hứng cho học sinh tư duy và giải quyết vấn đề bằng phương pháp thực hành. Các em có cơ hội rèn luyện kỹ năng và trau dồi kiến thức trong suốt quá trình học theo dự án thông qua việc khám phá, hợp tác, liên kết với các vấn đề thực tế.
Phương pháp giảng dạy trong các môn học STEAM luôn khuyến khích học sinh đặt câu hỏi, dám chấp nhận thử thách và tôn trọng sự phản biện, giúp các em hình thành tư duy cởi mở, đa chiều hơn khi tiếp cận vấn đề.